Nhữ Khê khai thác lợi thế phát triển chăn nuôi cá

Là địa phương có nguồn nước dồi dào, những năm vừa qua, chính quyền xã Nhữ Khê (Yên Sơn) đã tuyên truyền, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích nuôi cá, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.


Khu nuôi cá của gia đình bà Đào Thị Mai, thôn cây Sim, xã Nhữ Khê (Yên Sơn).


Sau nhiều năm canh tác cây lúa, hiệu quả mang lại không cao, năm 2004, gia đình bà Đào Thị Mai, thôn Cây Sim đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.600 m² diện tích đất nông nghiệp để đào 2 ao nuôi cá, 1 ao rộng 2.600 m² dùng để nuôi cá thương phẩm, còn lại là để nuôi cá giống. Bà cho biết: Lúc mới nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững cách chăm sóc, phòng bệnh nên nhiều khi cá hay bị chết không rõ nguyên nhân. Sau được chính quyền xã, Hội nông dân mở các lớp tập huấn nên từ năm 2006 đến nay, mỗi năm đều thu hoạch khoảng gần 2 tấn cá thịt, cá giống, sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà lãi khoảng 150 triệu đồng.

Thôn cây Sim có diện tích nuôi cá lớn nhất trong toàn xã Nhữ Khê, với gần 4 ha mặt nước nuôi cá. Trao đổi với anh Lê Văn Hổ, Trưởng thôn Cây Sim được biết, nuôi cá thương phẩm là thế mạnh trong phát triển kinh tế của thôn. Hiện toàn thôn có 65 hộ thì có 20 hộ chăn nuôi cá thương phẩm, với 3,5 ha mặt nước ao mỗi năm cho thu nhập hơn 800 triệu đồng, nhiều hộ khá lên từ nuôi cá như gia đình bà Đào Thị Mai, chị Trần Thị Tuyết, Lê Minh Khang... Để nuôi cá thương phẩm thành hàng hóa, thôn đã thành lập nhóm sở thích nuôi cá có 10 hộ tham gia, diện tích mặt nước của mỗi hộ từ 3 sào trở lên. Thành viên của nhóm luôn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, đặc biệt là cùng nuôi một giống cá để tạo ra sản lượng nhiều, có giá trị cao.

Xã Nhữ Khê có trên 6 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tập trung ở thôn Cây Thị, Cây Sim và thôn 15. Các loại cá chủ yếu được nuôi trồng là trắm cỏ, mè, trôi, trắm đen, cá chép lai, cá rô phi đơn tính... Năm 2016, sản lượng cá thu hoạch được trên 22 tấn, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.  Để nuôi cá thương phẩm thành hàng hóa, năm 2013, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi cá thịt thôn Cây Sim và thôn 15 để chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng cá thương phẩm của người dân.

Chị Đinh Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá thôn cây Sim cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác giúp các hộ dân nuôi cá có sự liên kết chặt chẽ với nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, công tác phòng, chữa bệnh cho cá mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm phát triển. Hiện nay, tổ hợp tác nuôi cá thôn cây Sim có 10 hộ tham gia, mỗi hộ đều có tối đa 1.000 m² ao, hàng năm mỗi hộ dân trong tổ đều có thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Khê cho biết: Để nghề nuôi cá phát triển mạnh và bền vững, hiện nay xã đang tích cực triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, biện pháp vệ sinh ao nuôi, phòng trị bệnh cho cá, từng bước tạo lập thương hiệu cá sạch Nhữ Khê. Hiện UBND xã đã tiến hành rà soát quy hoạch diện tích đất lúa một vụ, tận dụng khe lạch để cải tạo phát triển nuôi cá. Xã phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 15 ha vào năm 2020.

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục