Phát triển Thủy sản tại xã Nhữ Khê

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nguồn nhân lực..., xã Nhữ Khê đã tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.


Năm 2006, gia đình chị Đào Thị Mai thôn Cây Sim xã Nhữ Khê huyện Yên Sơn đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 3.600 m2 diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả để đào ao nuôi cá thương phẩm, cá giống. Để tiện cho công việc chăm sóc từng loại cá, chị đã chia thành 2 ao để nuôi cá thịt và cá giống, trong đó ao cá giống rộng 1.000m2 còn lại để nuôi cá thịt như cá chép, trắm, trôi, mè, rô phi đơn tính. Ban đầu do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá theo tập quán cũ thả cá là chủ yếu nên dù bỏ rất nhiều công sức nhưng cho thu nhập thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tiếp thu kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn khuyến nông và học hỏi từ các hộ nuôi cá, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng phương thức chăn nuôi thâm canh. Đối với cá thịt, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp kết hợp với cám gạo, bột ngô, sắn và thức ăn xanh như cỏ, lá sắn, lá ngô... để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cá. Đối với cá giống chị mua cá bột tại các cơ sở có uy tín về nuôi sau 4 tháng nuôi khi cá đạt 0,2 - 0,3 kg/con thì bán cho các hộ nuôi cá có nhu cầu, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng trị bệnh cho đàn cá theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên đàn cá của gia đình chị sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh. Trung bình mỗi năm, gia đình chị đánh bắt bán trên 1 tấn cá thịt và 0,5 tấn cá giống, thu gần 70 triệu đồng.

 

 Anh Lê Văn Hổ - Trưởng thôn Cây Sim cho biết: Nuôi cá thương phẩm là thế mạnh trong phát triển kinh tế của thôn. Hiện toàn thôn có 58 hộ thì có trên 20 hộ chăn nuôi cá thương phẩm, với hơn 3 ha mặt nước ao mỗi năm thu hơn 500 triệu đồng, nhiều hộ khá lên từ nuôi cá như gia đình chị Đào Thị Mai, chị Đinh Thị Tuyết... Để nuôi cá thương phẩm thành hàng hóa, thôn đã thành lập “nhóm sở thích nuôi cá thịt” để chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá cũng như nâng cao chất lượng, sản lượng cá thương phẩm.

Chị Đinh Thị Tuyết, trưởng nhóm đồng thời cũng là một trong những người nuôi cá hiệu quả nhất thôn Cây Sim cho biết: “Nhóm có 10 hộ tham gia, diện tích mặt nước của mỗi hộ từ 3 sào trở lên; thành viên của nhóm luôn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật, đặc biệt là cùng nuôi một giống cá để tạo ra sản lượng nhiều, dễ tiêu thụ chứ không chăn nuôi manh mún như trước đây, mạnh ai người ấy làm, một ao thả nhiều loại cá, khiến việc chăm sóc khó, sản lượng không cao”. Riêng gia đình chị có 6 sào ao, mỗi năm gia đình chị thu gần 70 triệu đồng.

Ông Trần Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhữ Khê cho biết: Là xã có diện tích mặt nước ao, hồ khá lớn với hơn 6 ha nên xã Nhữ Khê đã khuyến khích người dân phát triển thủy sản. Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh và bền vững, hiện nay xã Nhữ Khê đã và đang tích cực triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho các hộ gia đình như: phối hợp các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là công tác vệ sinh ao nuôi, phòng trị bệnh cho cá; tạo điều kiện để các hộ nuôi cá vay vốn ưu đãi... Theo thống kê hàng năm sản lượng cá thu hoạch của toàn xã đạt trên 20 tấn, doanh thu đạt gần 01 tỷ đồng.
 

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục